Checkin Hà Nội

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”

Câu nói nổi tiếng của một con người mà cả cuộc đời ông đã dành cho đất nước, cho dân tộc. Hơn 30 năm bôn ba qua 4 châu lục, 29 quốc gia, học hỏi lãnh hội tinh hoa văn hóa cửa nhân loại để tìm kiếm con đường cứu nước cứu dân và trở về lãnh đạo dân tộc Việt Nam đi theo con đường giải phóng.

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng đoán được người được nhắc tới là ai . Vâng, không ai khác đó chính là người Bác của chúng ta, người Bác của cả dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một con người vĩ đại, một nhân vật lịch sử của thế giới. Người luôn là một người con của đất nước Việt Nam, người con của làng Sen xứ Nghệ. Người luôn sống một lối sống bình dị giản đơn, gần gũi với nhân dân, đặc biệt là các cháu thiếu niên nhi đồng.

Người dân đến viếng Bác

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn được gọi với cái tên thân mật là Lăng Bác. Theo lịch của ban quản lý lăng thì lăng sẽ đóng cửa vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. và thời gian Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa là vào các ngày thứ 3, 4, 5, 7 và chủ nhật trong tuần. Riêng hai ngày 19 tháng 5 và ngày 2 tháng 9 nếu trùng vào thứ 2 hoặc thứ 6 ban quản lý lăng vẫn tổ chức lễ viếng Bác như bình thường. Lăng sẽ đóng cửa 2 tháng vào tháng 10 và tháng 11 để tu bổ định kỳ nên thời gian này không thể vào thăm lăng viếng Bác được.

 Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây là lễ đài Ba Đình cũ (tồn tại từ năm 1958) nơi Bác chủ trì các cuộc mít tinh lớn và cũng chính là nơi Bác đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.  Cấu trúc lăng gồm 3 lớp với tổng chiều cao 21,6m. Lớp trên cùng là lớp mái với tạo hình  bông Sen cách điệu:

                             “Tháp mười đẹp nhất bong Sen

                             Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Sen là loài hoa tượng trưng cho phẩn chất cao quý được mệnh danh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Và Sen cũng chính là tên ngôi làng nơi đã sinh ra và nuôi nấng nhân cách và con người của Bác.

Lớp dưới cùng của lăng được tạo dáng bậc thềm tam cấp hình vuông mỗi cạnh có chiều dài 30m. Chúng ta có thể thấy ở hướng đông của lăng tức là mặt hướng ra quảng trường đây là cửa lăng và bên trên là lễ đài nơi mà các vị lãnh đạo nhà nước chủ trì các buổi mít tinh long trọng. Hai bên của lăng là hai dòng chữ “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Muôn Năm” và “Chủ Tịch Hồ Chí Minh Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta” ngay bên dưới đấy là hai lễ đài dài 65m dành cho các vị khách mời tham dự mít tinh. Cửa lăng luôn có hai người lính đứng canh gác. Nhìn sang hai bên cửa chính chúng ta sẽ thấy trồng hai cây hoa đại. Trước và sau lăng trồng hai hàng cây vạn tuế tổng cộng là 79 cây.

                             “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

                             Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

                             Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

                             Kết tràng hoa dâng bẩy mươi chín mùa xuân.”

Ngày 19 tháng 5 năm 1890 là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày 2 tháng 9 năm 1969 là ngày Bác nhắm mắt xuôi tay. Khi đó Bác hưởng thọ 79 tuổi.

 Tại vị trí có những cây cột vông lớn, đó chính là lớp giữa kết cấu trung tâm của lăng, gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương. Bên trên của mặt chính hướng ra quảng trường là hàng chữ “ Chủ tịch Hồ Chí Minh “ bằng đá ngọc màu mận chín. Bên trong là phòng thi hài, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong hòm kính trong suốt, vẫn mặc bộ quần áo ka ki bạc màu quen thuộc, dưới chân có đặt một đôi dép cao su.

Trong những dịp có người viếng lăng, sẽ có bốn người lính đứng gác. Giường được chế tác bằng đồng, có dải hoa văn bông sen được cách điệu, ba mặt giường lắp kính có độ chịu xung lực cao. Nóc giường bằng kim loại, có hệ thống chiếu sáng và hệ thống điều hòa tự động. Giường được đặt trên bệ đá, có hệ thống thang máy tự động.

 Tình cảm của Bác Hồ dành cho người dân Việt Nam là vô bờ và tình yêu của cả dân tộc Việt Nam dành cho Người cũng thế. Vật liệu xây lăng, những cây gỗ quý, đá quý, ngọc được đồng bào khắp mọi miền gửi về để góp phần xây nên nơi an nghỉ của Bác. Đó không đơn thuần là những viên đá những cây gỗ vô chi vô giác xây nên tòa lăng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay mà đó còn là tình cảm của nhân dân gửi gắm nỗi nhớ, tình thương đến người cha của cả dân tộc.

Không chỉ là gửi vật liệu mà việc thiết kế xậy dựng lăng đều có sự tham gia đóng góp của người dân. Sau lễ tang của Bác, tin tức về việc xây dựng lăng được lan truyền trong nhân dân, nhiều người Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc và Việt kiều ở nước ngoài gửi thư về đóng góp ý kiến.

Thực hiện theo nguyện vọng của toàn dân, Bộ Chính trị quyết định lùi việc duyệt bản thiết kế sơ bộ cùng với hỗ trợ kỹ thuật cho nước ta xây dựng và trang bị cho lăng đã được thông qua trước đó do cán bộ Liên Xô đề xuất. Một đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng được tổ chức, các mẫu được trưng bày và lấy ý kiến của nhân dân.

Trong khoảng thời gian từ tháng 5/1970 tới 8/1970, có 200 phương án thiết kế được gửi đến, trong đó có 24 phương án được chọn lựa và đem trưng bày tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An. Hơn 745 nghìn lượt người đã tới thăm và hơn 34 nhìn người tham gia ý kiến.

Đợt triển lãm kết thúc, bản “thiết kế sơ bộ” tổng hợp các ý kiến của nhân dân được mang sang Liên Xô. Sau 3 tuần làm việc, phương án thiết kế sơ bộ của Việt Nam được Liên Xô chấp nhận. Lăng được thiết kế để có độ bền vững cao, chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter. Ngoài ra còn có công trình bảo vệ đặc biệt chống lụt phòng khi Hà Nội bị vỡ đê. Kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn. Lăng còn được thiết kế thêm “buồng đặc biệt” để có thể giữ thi hài tại chỗ trong trường hợp có chiến tranh.

 Nhưng có một điều nếu ai trong các bạn đã đọc di chúc của Bác sẽ thắc mắc là trong di chúc Bác có nhắc đến yêu cầu được hỏa táng và gửi một phần cho xương vào cho đồng bào miền nam. Vậy việc xây lăng có phải làm trái với di nguyện cuối đời của Bác.

Không phải vậy, trong những ngày cuối đời người luôn ở bên cạnh Bác là đồng chí Lê Duẩn khi đó là Tổng bí thư ban chấp hành chung ương Đảng, sau khi biết được di nguyện của Bác đồng chí đã bày đạt mong muốn của Đảng và nhân dân được giữ lại thi hài để đồng bào miền nam có dịp được nhìn thấy dung mạo của người sau ngày giải phóng. Nghe vậy Bác đã lặng đi không nói gì.

Lăng được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973 và sau 2 năm xây dựng lăng đã được khánh thành ngày 29 tháng 8 năm 1975 theo ý nguyện của toàn Đảng, toàn quân, toàn nhân dân cả nước. Từ đó đên nay lăng trở thành một địa điểm linh thiêng của người dân Việt Nam, hằng năm vào thời điểm lăng mở cửa cho khách trong và ngoài nước đến viếng thăm có đến hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến đây tỏ lòng thành kính biết ơn đối với vong linh cả Bác.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button