Giá trị văn hóa trong những bản làng bên dãy Trường sơn
Quảng Bình với nhiều di tích danh thắng cùng với nhiều giá trị văn hóa đang được từng bước đưa vào hoạt động du lịch. Nhiều bản làng và văn hóa bên dãy Trường Sơn đang được lưu giữ và phục vụ khách du lịch khi đến Quảng Bình.
Việc phát triển du lịch tại khu vực này vừa làm đa dạng các sản phẩm du lịch, vừa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc.
Tỉnh Quảng Bình nói riêng, khu vực phía Tây các tỉnh miền Trung nói chung có nhiều lợi thế về phát triển du lịch xanh gắn liền với văn hóa. Phát triển du lịch văn hóa kết hợp du lịch xanh trên dãy Trường Sơn mở ra cơ hội hưởng lợi từ du lịch của người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa bản địa được tôn trọng. Đó vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và là động lực để phát triển kinh tế – xã hội của bà con bên dãy Trường Sơn.
Các lễ hội là di sản phi vật thể cấp Quốc gia bên dãy Trường Sơn tại Quảng Bình
Hiện nay dù trải qua nhiều thăng trầm và thay đổi của thời gian, các giá trị văn hóa của bà con Bru Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn vẫn đang được gìn giữ và khôi phục. Trên địa bàn phía Tây nam tỉnh Quảng Bình có 3 di sản trên dãy Trường Sơn được công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội lấp lỗ ở xã Trường Sơn, lễ hội mừng lúa mới ở xã Ngân Thủy, Lễ hội Đập trống của người Ma-Coong tại Thượng Trạch.
Các lễ hội của người dân đồng bào trên dãy Trường Sơn đều mang những ý nghĩa về văn hóa. Như lễ hội Lấp lỗ là công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy gồm: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi, nảy nở, chắc hạt, nặng bông, có ngày thu hoạch. Già làng Hồ Ai, trú bản Khe Cát, xã Trường Sơn luôn là người lĩnh trọng trách “chủ lễ” của Lễ hội Trỉa lúa. Già làng Hồ Ai nói rằng, buổi lễ luôn được tổ chức ở gò đất cao dưới chân núi Chồng (theo cách gọi của người bản địa), nơi đó có nhiều cây cổ thụ, trên đỉnh có 3 ngọn núi cao vút. Khám thờ đặt hướng qua núi Khe Cát, người dân gọi là núi Vợ.
Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa
Ngày nay nhiều bản làng bên dãy Trường Sơn đã biết làm du lịch. Trước nay họ chủ yếu sống dựa vào rừng, bây giờ họ còn biết du lịch, phục vụ khách du lịch, hạn chế tác động vào rừng. Các bản làng tiêu biểu phát triển du lịch như Rum Ho, Mít cát, Bản Còi đá, bản khe sung đã có những tín hiệu tích cực đón khách du lịch.
Như lời bà Hồ Thị Thành, 78 tuổi, người bản Rum Ho thì họ vốn chỉ biết vào rừng lấy lâm sản phục vụ cho cuộc sống thường ngày từ bao đời nay. Khi cán bộ nhà nước, các đơn vị, tổ chức kinh tế xã hội như Công ty Netin Travel, Helvetas Việt Nam… tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, tìm kiếm sinh kế, bà con ở đây mới vỡ ra chuyện “làm du lịch”. Họ được chia sẻ việc khai thác tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch cộng đồng và tạo sinh kế lâu dài.
Nhiều dự án có giá trị đã được triển khai ở bản Rum Ho góp phần giúp cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở đây thêm kiến thức, kinh nghiệm. Họ đã cùng quyết tâm trong việc chung tay bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng, khai thác điều kiện tự nhiên, văn hóa để xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đảm bảo sinh kế cho phát triển.
Theo chị Hồ Thị Son, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến du lịch ở bản Rum Ho và ở lại Son Homestay của chị. Chị và gia đình tự hào là một trong những người tiên phong làm du lịch, tìm kiếm sinh kế để phát triển cuộc sống bền vững. Du khách khi đến đây du lịch được trải nghiệm nhiều cảm xúc với nhiều dịch vụ phong phú đầy vẽ hoang sơ, kỳ bí như thám hiểm hang Chà Lòi, chinh phục leo núi, vượt thác Dương Cầm, tham quan Khu dự trữ Thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong.
Hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người dân ở đây, từng bước đưa họ tới một cuộc sống ngày một tốt hơn.