Checkin Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị – Khúc tráng ca nhuộm đỏ từ chiến tranh và khát vọng

Khi nghe đến thành cổ Quảng Trị, là người Việt Nam hoặc người có đam mê về lịch sử Việt Nam có lẽ sẽ đều sẽ nghĩ đến trận chiến mùa đỏ lửa và các giá trị lịch sử tại nơi đây.

Hãy để checkinvietnam.com.vn dẫn dắt bạn vào một chuyến du hành lịch sử để bạn hiểu rõ hơn về vùng đất hào hùng này nhé!

Thành Cổ Quảng Trị (ảnh Netin Travel)
Thành Cổ Quảng Trị (ảnh Netin Travel)

Nội dung bài viết

Tổng quan thành cổ Quảng Trị

Vị trí địa lý

Di tích thành cổ Quảng Trị tọa lạc giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây nằm cách quốc lộ 1A khoảng 1km về hướng Đông Bắc, thành phố Đông Hà khoảng 14km về phía Đông Nam và các thành phố Huế khoảng hơn 60km về phía Bắc.

Chỉ với diện tích 25ha và có chiều cao 4m nhưng nơi đây lại nằm ngay trên trục giao thông huyết mạch, là vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình giữ và dựng nước của dân tộc ta.

Lịch sử hình thành

Dinh Quảng Trị được bắt đầu xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong) vào đầu thời Gia Long. Đến năm 1809, triều đình nhà Nguyễn cho rằng vị trí dinh Quảng Trị không đắc địa nên vua Gia Long ra chiếu dời thành về xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay).

Sơ đồ thành cổ Quảng Trị từ trước
Sơ đồ thành cổ Quảng Trị từ trước

Lịch sử xây dựng thành Quảng Trị trải qua ba giai đoạn:

  • Năm 1809-1832: Đây là giai đoạn bao gồm các công việc như vận chuyển lỵ sở, quy hoạch và xây dựng. Thời điểm cụ thể khởi công từ trước tháng 3 (Âm lịch) năm 1809, dưới sự điều hành của quan Nguyễn Cữu An và lực lượng nhân công tại chỗ.
  • Năm 1832-1837: Thời kỳ củng cố và mở rộng quy mô thành luỹ. Để tăng cường thế mạnh phòng thủ, năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu lệnh cho quan binh tiến hành nâng cấp thành Quảng Trị, đồng thời cho đào thêm một đường hào dài 47 trượng nối sang sông Thạch Hãn để tạo nên hệ thống thoát nước hào thành.
  • Năm 1837: Đây là lúc tổng hoàn thiện và kiên cố hoá kiến trúc nội thành. Vốn dĩ tường ban đầu được đắp bằng đất, nhưng đến năm 1987 vua Minh Mạng cho sửa sang và xây lại tường thành bằng gạch. Thời gian về sau thành còn được bổ sung thêm các cơ sở công trình bên trong để đáp ứng các nhu cầu cần thiết.(theo quangbinhtravel.vn)

Như vậy qua các giai đoạn đến nay, với 27 năm được đắp bằng đất và 135 năm xây dựng kiên cố bằng gạch (thời gian thành bị phá huỷ nặng nề), ta có thể thấy nhà Nguyễn rất chú trọng đến vị trí của thành bên cạnh các chiến lược quân sự, phát triển kinh tế văn hoá các vùng lân cận.

Cầu Hiền Lương di tích lịch sử đặc biệt

Kiến trúc thành cổ

Nhắc đến kiến trúc thành Quảng Trị không chỉ là quy mô, cấu trúc hay kỹ thuật xây dựng của tòa thành mà còn có cả những công trình đã được xây dựng nội thành. Tuy nhiên, trải qua gần 150 năm dưới thời quân chủ phong kiến nhà Nguyễn và thời thuộc Pháp (1809 – 1954); hơn 18 năm dưới thời Việt Nam Cộng Hoà (1954 – 1972), thành Quảng Trị do chịu nhiều biến động nên kiến trúc đã có nhiều thay đổi về chức năng, vị trí cũng như phong cách.

Với cấu trúc tổng quát là cấu trúc phòng thành, nội thành là các công trình mang các chức năng khác nhau liên quan đến một trung tâm hành chính, được xây dựng và bố trí theo mô thức chung như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Tuy nhiên các thành thông thường sẽ bao gồm 2 lớp thành là thành trong và thành ngoài (hay nội thành và ngoại thành), còn đối với thành Quảng Trị chỉ bao gồm 1 thành chính là thành ngoài (hay ngoại thành).

Thành Quảng Trị được đánh dấu x
Thành Quảng Trị được đánh dấu x

Thành ngoài được vua Minh Mạng cho tu sửa và xây lại bằng vật liệu gạch với tổng thể hình vuông và cấu trúc là một hệ thống các công trình liên kết chặt chẽ với nhau, mang đến sự phòng thủ vô cùng vững chắc cho thành.

Cổng thành là một hệ thống gồm 4 cổng:

  • Cổng tiền (Nam Môn): Cấu trúc vòm cuốn và cửa lim 2 cánh, bao gồm 2 tầng là cửa và vọng lâu.
  • Cổng hậu (Bắc Môn): Bao gồm vọng gác trên cổng và vẫn giữ nguyên phần vòm cuốn và vẫn được bảo tồn nguyên dạng đến nay, mặc dù có rất nhiều hư hại với hàng loạt vết bom đạm sau chiến tranh.
  • Cổng hữu (Tây Môn): Đã bị phá huỷ một cách đáng tiếc, chỉ có thể xác định qua dấu tích đoạn tường 8m nằm bên trái cổng.
  • Cổng tả (Đông Môn): Tương tự như Tây Môn, Đông Môn cũng bị phá huỷnhờn toàn, chỉ có thể xác định qua dấu tích đoạn tường thành nằm bên phải cổng.
Sơ đồ kiến trúc thành cổ Quảng Trị
Sơ đồ kiến trúc thành cổ Quảng Trị

Trước mỗi cửa thành đều có một chiếc cầu xây vòm cuốn bắc qua hào thành nối bên trong với bên ngoài. Ngoài ra còn có một hào thành nối hệ thống hào thành với sông Thạch Hãn để thoát nước và chống úng khi mùa lũ.

Có thể thấy rằng, thành Quảng Trị quả  là một trung tâm chính trị, hành chính đúng nghĩa của tỉnh Quảng Trị.

Khúc tráng ca 81 ngày đêm năm 1972

Trở về mùa hè năm 1972, tại Thành Cổ khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.

Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

Dấu ấn lịch sử

Hệ thống tường thành

Được bảo tồn nguyên gốc (còn lại sau chiến tranh). Ở góc Tây Nam, nhiều mảng tường đã bị phá hủy; đoạn giữa mặt Bắc chỉ còn tường thành đắp bằng đất; góc Tây Bắc bị phá hủy gần như toàn bộ; góc Đông Bắc có nhiều mảng bị nứt vỡ và lún, nghiêng. Pháo đài góc Đông Nam bị nứt và bong tróc, có đoạn bị biến dạng.

Hệ thống cầu bắc qua hào

4 chiếc cầu bắc qua hào thành đều bị bom đạn đánh sập, dấu tích còn lại chỉ là một phần cống hình vòm cuốn ở chiếc cầu bắc vào cổng hậu. Từ năm 1993, cầu được phục hồi theo kiến trúc cũ.

Hệ thống hào

Năm 1993, hào được kè thẳng phía trong và ngoài hào thành bằng đá cuội bazan.

Năm 2011, hệ thống tường thấp bằng xi măng, bê tông cốt thép phía trong và ngoài hào thành được xây mới, lòng hào được nạo vét, dẫn nước vào và thả hoa để tạo mỹ quan cho di tích.

Lao xá (nhà lao)

Nằm ở góc Đông Bắc thành, được xây dựng từ thời Nguyễn, mở rộng thêm thời Pháp và chế độ Việt Nam Cộng hoà.

Nhà lao gồm vọng gác, phía Đông có lao tả, phía Tây có lao hữu, phía Nam có các dãy nhà làm việc… Sau chiến tranh, lao xá bị phá huỷ gần hết, chỉ còn lại hệ thống xà lim kiên cố từ thời Pháp thuộc.

Hố bom

Có diện tích 24m2, sâu 2,5m, nằm ở phía Bắc tường thành.

Đài tưởng niệm

Được xây dựng năm 1997, bằng đất, có hình tròn mang hình dáng một nấm mồ chung. Sân hành lễ và nền đài tưởng niệm lát gạch đỏ, giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m, mang ý nghĩa tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt tại Thành cổ của quân và dân ta.

Đài tưởng niệm Thành cổ
Đài tưởng niệm Thành cổ

Nhà trưng bày (Bảo tàng thành cổ Quảng Trị)

Được xây dựng năm 2002, nằm ở góc Đông Nam, bên trong thành. Bảo tàng hiện trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè năm 1972.

Bia chiến tích sinh viên

Bia chiến tích sinh viên
Bia chiến tích sinh viên

Xây dựng năm 2002, nằm ở góc Đông Bắc, bên trong thành, để ghi nhớ và tưởng niệm những người lính học sinh, sinh viên đã hy sinh trong cuộc chiến.

Thành cổ Quảng Trị ngày nay

Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong cuộc chiến chống phản kích tái chiếm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 nên từ sau ngày đất nước giải phóng, Thành cổ Quảng Trị hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Toàn bộ diện tích của thành loang lỗ những hố bom, hố pháo và tiềm tàng vô số các loại bom mìn chưa nổ đe doạ cuộc sống của người dân.

Năm 1986, Thành cổ Quảng Trị được công nhận di tích quốc gia, nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, đơn vị hành chính tỉnh chưa ổn định nên chưa có một đầu tư nào cho di tích. Di tích Thành cổ Quảng Trị bị xuống cấp nghiêm trọng, một địa danh ghi dấu một thời kỳ oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dần dần trở thành một vùng đất hoang phế.

Thành Cổ về đêm
Thành Cổ về đêm

Đến Quảng Trị đến với Thành Cổ

Thành cổ Quảng Trị nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa điểm để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button