Tin tức Du lịch

Chia sẻ và hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam vượt khó

Du lịch Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại sau gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trước đó, trong hai tháng đầu mùa hè, hoạt động kinh doanh du lịch đã có dấu hiệu hồi phục đáng mừng sau khi Tổng cục Du lịch và các địa phương triển khai các chương trình kích cầu trong nước, thu hút đông khách trở lại các điểm đến, nhất là các thành phố, trung tâm du lịch biển. Mặc dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và hệ thống dịch vụ liên quan có những tín hiệu khởi sắc, nhưng nguồn thu trong thời gian này thật ra chỉ đủ để duy trì bộ máy và gần như chưa có lợi nhuận. Với diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ hai, xuất hiện từ Đà Nẵng, một trung tâm du lịch lớn đã đón hàng chục nghìn khách trong hai tháng vừa qua, ngành du lịch nước ta lại chịu những tác động tiêu cực mới, thậm chí nặng nề và lâu dài hơn.

Du lịch mùa Covid
Du lịch mùa Covid

Thực tế cho thấy, do các biện pháp phòng, chống quyết liệt, không để dịch bệnh lan rộng ở các địa phương cùng tâm lý lo ngại của du khách, cho nên phần lớn các chương trình du lịch, dịch vụ được đặt trước đã bị hoãn, hủy và yêu cầu hoàn tiền. Ngay cả những tỉnh, thành phố không có dịch, khách cũng yêu cầu hủy tua, dừng chuyến.

Theo thống kê sơ bộ, trong ba tuần vừa qua, đã có hàng chục nghìn khách du lịch trong nước hủy tua, cụ thể như Hà Nội có khoảng 32 nghìn khách, TP Hồ Chí Minh có hơn 35 nghìn khách hủy tua du lịch trong nước, bao gồm cả các tua trọn gói (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…), tỷ lệ hủy phòng khách sạn riêng trong tháng 8 ước khoảng hơn 90%.

Điều này khiến hoạt động kinh doanh lữ hành và các dịch vụ liên quan gần như ngưng trệ, tạo ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch. Khó khăn chung của các đơn vị lữ hành là áp lực từ phía khách hủy tua và nhà cung ứng bởi phải có trách nhiệm hoàn tiền khi họ là đơn vị kết nối, dùng tiền của khách đặt trước dịch vụ.

Trong khi đó, thị trường khách du lịch quốc tế vẫn đang tiếp tục “đóng băng” khiến cho du lịch Việt Nam đã khó lại càng thêm khó. Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, tình hình kinh doanh khó khăn khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, nhiều lao động trực tiếp trong ngành du lịch và gián tiếp bị mất việc làm. Không ít doanh nghiệp lữ hành và khách sạn lớn đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, buộc người lao động làm việc luân phiên hoặc cho nghỉ không lương từ 60% đến 90% nhân lực. Không chỉ vậy, nguồn khách sụt giảm cũng khiến các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm cũng lâm vào cảnh lao đao.

Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành, điều quan trọng nhất là duy trì và “sống” được qua mùa Covid-19. Công việc chủ yếu của họ trong giai đoạn này là giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc cùng những hậu quả, tồn đọng từ các tác động của việc khách hủy tua, bảo đảm quyền lợi của khách cũng như của công ty và các đối tác, đồng thời chăm sóc chu đáo những đoàn khách vẫn thực hiện các tua du lịch đến các vùng chưa công bố dịch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào những kế hoạch duy trì hoạt động, nghiên cứu xây dựng và làm mới sản phẩm chuẩn bị cho việc đón khách trở lại. Họ đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch và phương hướng phục hồi sau mùa dịch.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các ý kiến đều cho rằng, trong thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là sự cảm thông, chia sẻ từ phía các đơn vị dịch vụ, trong đó có ngành hàng không. Các doanh nghiệp mong muốn ngành hàng không có phương án tốt nhất, thuận lợi nhất, giúp hạn chế các thiệt hại của đơn vị kinh doanh du lịch, có hướng truyền thông để khách du lịch có thể yên tâm hoãn tua trong khoảng thời gian dài hơn, tránh tình trạng hủy tua và có điều kiện  thanh toán với khách.

Về phía Tổng cục Du lịch cũng cần có định hướng xây dựng chương trình kích cầu phù hợp, mang lại hiệu quả và hướng tới khách du lịch trong nước cũng như những thị trường các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh để có thể nhanh chóng đón khách trở lại. Trong đó, tập trung triển khai chiến dịch truyền thông chung trong cả nước dưới nhiều hình thức, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn với các thị trường khách khi tình hình cho phép.

Nếu giải quyết được những vấn đề phát sinh do dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp du lịch sẽ có điều kiện để cầm cự. Tuy nhiên, cái khó của họ là chưa biết đến bao giờ mới hết dịch; kể cả khi đã kiểm soát được thì cuối năm lại không phải mùa cao điểm du lịch. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần các biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc cho giãn nợ, cho phép chậm nộp thuế, hỗ trợ giảm thuế VAT đến năm 2021, có chính sách giảm các chi phí điện, nước, viễn thông đến hết năm 2020; hoãn nợ cho doanh nghiệp và có các gói cứu trợ, cung cấp gói hỗ trợ tín dụng tới các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng với lãi suất vay ưu đãi để họ bảo đảm hoạt động, duy trì nhân lực ngành. Nhiều doanh nghiệp khách sạn đã kiến nghị trước mắt cần giảm tiền điện, nước, thuê đất, nhất là tiền điện từ mức giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất.

Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh doanh. Tập trung giúp các doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn cũng là lợi ích chung, giúp phục hồi các ngành kinh tế khác, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển của kinh tế đất nước.

Theo Báo Nhân Dân

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button