Ngôi làng du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu Tân Hóa
Nội dung bài viết
Vùng rốn lũ Tân hóa
Xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá có diện tích là 71.8 km², nằm bên dòng sông Rào Nan, uốn lượn giữa những cánh đồng ngô, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp và hùng vĩ. Đây còn là nơi sinh sống tập trung của người Nguồn, tên gọi của cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt – Mường. Theo gia phả các dòng họ Cao, họ Trương cùng lời kể của những người lớn tuổi trong làng thì tổ tiên của người Nguồn ở Tân Hoá đã đến khu vực này sinh sống từ khoảng 300 – 320 năm về trước. Người Nguồn có ngôn ngữ riêng, cùng các nét sinh hoạt văn hoá và các giá trị văn nghệ dân gian đặc trưng.
Từ ngày xưa, người dân Tân Hoá chủ yếu trồng lúa, trồng bắp, lạc, chăn nuôi và sống dựa vào cánh rừng Tú Làn. Vì vị trí xa xôi hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn và thường xuyên bị lũ lụt nên cuộc sống của người dân vô cùng vất vã. Tân Hoá đã từng là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh Quảng Bình.
Dòng sông Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi biên giới Việt – Lào, chảy ngầm gần 3km qua Hang Rục thuộc xã Trung Hóa rồi đổ về hạ nguồn tại làng Tân Hóa. Mùa mưa, nước sông ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về xã Tân Hóa. Lối thoát duy nhất chính là những hang động ở cuối thung lũng, tuy nhiên lối thoát này không đủ lớn để nước lũ có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Vì vậy, vào khoảng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hàng năm khi khu vực hứng chịu những trận mưa lớn dài ngày thì cũng đồng nghĩa sẽ xuất hiện những trận lũ gây ngập sâu cho ngôi làng ven sông Rào Nan. Trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở làng Tân Hoá, người dân phải sơ tán lên các hang đá và vách núi để trú ẩn chờ nước rút, từ đó Tân Hóa được xem là “vùng rốn lũ”.
Làng thích ứng thời tiết và những căn nhà nổi sống chung với lũ
Sau khi lũ qua đi, đã có nhiều đề xuất di dời toàn bộ dân làng trong vùng trũng đi nơi khác hay ý kiến phá núi để tạo luồng thoát lũ xuyên qua khu vực hang động Tú Làn. Tuy nhiên các đề xuất đều không thể thực hiện được vì người dân đã sinh sống ở ngôi làng của họ hàng trăm năm và họ không muốn dời đi nơi khác, còn giải pháp phá núi tạo dòng thoát lũ thì cần nguồn kinh phí quá lớn, chưa kể giải pháp này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Trong cái khó ló cái khôn, sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ.” Bè phao được làm trên 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại tùy vào bè lớn hay nhỏ, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà bè nổi theo nước. Ban đầu chỉ có đồ đạc quý giá được đặt lên và lấy bạt che mưa, còn người thì di tản lên các vách núi dựng lán tránh lũ cho đến khi nước rút mới quay về dọn dẹp. Đến năm 2012, từ kinh nghiệm qua những năm lũ lớn, người dân đã cải tiến từ bè nổi thành nhà nổi, có mái, vách che mưa nắng, vì nước lũ dâng cao nhưng không chảy xiết nên bà con cố định nhà thông qua 4 cọc định vị ở 4 góc nhà và cả gia đình sống trong nhà nổi sinh hoạt bình thường. Người dân còn dùng nhà nổi để cất đồ đạc như lương thực lúa, gạo, ngô…và các thiết bị quan trọng khác.
Tuy nhiên do đời sống của người dân lúc đó còn nhiều khó khăn, số nhà nổi được xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xuất phát từ ý tưởng “nhà phao chống lũ” của người dân. Từ năm 2015 đến năm 2020, chính quyền xã, huyện phối hợp với doanh nghiệp địa phương đã tổ chức gây quỹ, kêu gọi tài trợ cho người dân xây dựng gần 200 căn nhà nổi. Việc gây quỹ cũng được lan tỏa khắp cả nước, nhiều tổ chức và cá nhân đã hưởng ứng hỗ trợ người dân làm nhà chống lũ. Tính đến năm 2023 đã có 620 căn nhà nổi được xây dựng ở xã Tân Hóa, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. Cuộc sống của người dân Tân Hoá ngày nay đảm bảo thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, thực phẩm, nước sạch được dự trữ trên nhà nổi đủ dùng cho từ 7 đến 10 ngày, vì vậy dù là mùa mưa lũ thì họ vẫn sống chung một cách yên bình.
Đổi thay nhờ Du lịch
Hơn 10 hang động thuộc hệ thống hang động Tú Làn gần như rất ít người biết cho đến khi các tour du lịch mạo hiểm bắt đầu được tổ chức vào năm 2011 và triển khai chính thức từ năm 2014. Mọi thứ từng bước thay đổi khi có hoạt động du lịch xuất hiện tại Tân Hoá. Một số thợ rừng được sử dụng làm nhân viên khuân vác phục vụ trong các tour du lịch Tú Làn, họ được đào tạo và huấn luyện các công việc phục vụ khách du lịch như khuân vác hành lý, trợ lý an toàn, đầu bếp và nhiều vị trí khác.
Họ ngạc nhiên khi thấy khách du lịch rất hào hứng mỗi lúc gặp những chú voọc, hay khỉ nhảy chuyền cành trên cây, hay du khách thường thể hiện sự ngưỡng mộ khi gặp những cây cổ thụ trên đường đi. Rồi dần dần những nhân viên khuân vác này nhận ra rằng nếu họ chung tay bảo vệ cánh rừng, bảo vệ động vật hoang dã sẽ khiến khách du lịch thích thú và quan tâm hơn, càng nhiều khách du lịch đến Tân Hoá thì không những họ mà con em địa phương cũng có thêm việc làm.
Từ đó, những người trước đây là “lâm tặc” thì nay họ trở thành những người bảo vệ rừng, họ trân trọng cánh rừng của quê hương, vì họ biết cánh rừng này đã cho họ việc làm, có thu nhập ổn định và con cái có điều kiện học hành đàng hoàng hơn. Ngày nay, khi vào rừng Tú Làn du khách không còn bắt gặp cảnh người dân đi khai thác gỗ trái phép như những năm trước đây nữa. Du lịch đã mang lại việc làm thường xuyên cho hơn 120 người dân Tân Hoá với thu nhập trung bình 08 triệu đồng/tháng. Các hoạt động du lịch cũng gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho hơn 100 lao động khác ở địa phương thông qua các hoạt động homestay, ăn uống tại nhà người dân, cung ứng thực phẩm và các hoạt động khác. Năm 2023, đã có 7 hộ dân tham gia cung ứng dịch vụ “trải nghiệm ăn tối tại nhà dân” và 10 hộ tham gia cung cấp dịch vụ phòng nghỉ homestay cho khách du lịch.
Hành trình trở thành một trong những ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới của UNWTO.
Nhằm từng bước đưa Tân Hoá từ một vùng được xem là “rốn lũ” trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc của tỉnh. Với phương châm nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng làm. Từ năm 2014, UBND tỉnh, Sở Du lịch, huyện Minh Hóa, công ty Oxalis đã phối hợp xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hoá: Từ việc đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch đến việc từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch.
Các bước xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái xe mô tô địa hình khám phá rừng Lim và các sản phẩm khác nhằm đa dạng hoá các dịch vụ dành cho khách du lịch.
Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch.
Tân Hoá cũng được đầu tư bài bản trong công tác quảng bá thông qua hàng trăm bài báo trong và ngoài nước giới thiệu về Tú Làn, Tân Hoá hoặc thông qua các bộ phim bom tấn quay tại Tân Hóa như “Kong: Skull Island”, “Người Bất Tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”.
Với sự định hướng và đầu tư bài bản theo chuẩn của UNWTO, được sự quan tâm của Cục Du lịch cùng với sự phối hợp của Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Minh Hóa, UBND Xã Tân Hóa, Công ty Oxalis, đầu năm 2023, Tân Hóa quyết định nộp hồ sơ tham gia giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của UNWTO. Ngày 18 tháng 10 năm 2023 tại Samarkand, Uzbekistan, trong phiên họp lần thứ 25 của đại hội đồng Tổ chức du lịch Thế Giới (UNWTO), vượt qua 260 hồ sơ tham dự, làng Du lịch Tân Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được công bố là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023.
Bài: Xuân Hoàng