Xúc tiến đầu tư du lịch Quảng Bình – động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trong hội thảo Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư du lịch – động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Checkinvietnam.com.vn xin trích lại để bạn đọc có thể tìm hiểu tiềm năng về du lịch Quảng Bình
Năm 2022, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các hoạt động để phục hồi và tăng trưởng kinh tế – xã hội tỉnh nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng trong điều kiện bình thường mới; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển du lịch của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Bình; hướng tới chào mừng 20 năm Phong Nha – Kẻ Bàng được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới và sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong năm 2023, hoàn thành mục tiêu đưa du lịch thực sử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình khóa XVII đã đặt ra.
Quảng Bình điểm đến lý tưởng của du lịch Việt Nam
Quảng Bình nằm ở vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội của Việt Nam, vị trí chiến lược hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây, là cửa ngõ phía Đông thông ra biển của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, Quảng Bình có hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ và hoàn thiện về cả đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, đường biển, đường ống với hệ thống đường ven biển, đường cao tốc Bắc Nam, dự án mở rộng nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, cảng biển tổng hợp quốc tế Hòn La đang triển khai..
Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, những cánh rừng nguyên sinh có độ che phủ lớn nhất Việt Nam, một trong những thiên đường nghỉ dưỡng biển; mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa của nhiều triều đại. Quảng Bình được các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến đáng trải nghiệm nhất tại Việt Nam và New York Times bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (2014). Miền Trung với các điểm đến nổi bật là Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa… cũng được Lonely Planet vinh danh là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (2019).
Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quan tâm về Du lịch Quảng Bình
Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch thực hiện các dự án đầu tư và phát triển các hoạt động kinh doanh như thực hiện hiệu quả các Chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về Giảm mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2022; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2022 – 2025; Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo 2022 – 2030; nghiên cứu, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Bình giai đoạn 2023 – 2025.
Trong năm 2021 và 2022, UBND tỉnh đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng giao thông trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, khai thác tiềm năng du lịch của khu vực và một số dự án xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, có khoảng 20 dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa được chấp thuận đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí góp phần phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh. Nhiều dự án đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển đang trong quá trình hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện. Các thương hiệu khách sạn, nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới đã đồng hành với các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Quảng Bình: Pullman, Melia, Dolce, Radisson, Novotel, Movenpick, Wyndham, Fusion…Hệ thống các cơ sở lưu trú, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cũng ngày được mở rộng cả về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 507 cơ sở lưu trú du lịch với 8.247 phòng, 16.000 giường; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Hạn chế phát triển du lịch Quảng Bình
Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, chưa phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật về du lịch đã được chú trọng đầu tư nhưng đang trong quá trình hoàn thiện và chưa thực sự đồng bộ; số cơ sở lưu trú tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên còn chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách; hạ tầng, chất lượng các cơ sở dịch vụ du lịch của khu vực quy hoạch khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn hạ chế …
Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, do đó để phát triển du lịch Quảng Bình tương xứng với tiềm năng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần huy động sức mạnh tổng hợp từ các doanh nghiệp cũng như toàn thể xã hội với các chính sách kiến tạo của các cấp chính quyền.
( Trích bài phát biểu tại Hội nghị)